Khó lường với xung đột Nga – Ukraine
Trong khi giao tranh trên chiến trường giữa Nga và Ukraine vẫn quyết liệt, các bên liên quan cũng đang thận trọng tìm kiếm công thức hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột vốn kéo dài gần 3 năm qua.
The Kyiv Independent đưa tin Ukraine ngày 19.12 tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) vào nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk ở vùng Rostov thuộc miền nam nước Nga. Thống đốc vùng Rostov Yuri Slyusar xác nhận thông tin trên qua ứng dụng nhắn tin Telegram, đồng thời cho rằng Ukraine đã sử dụng hơn 30 UAV và 3 tên lửa. Ông Slyusar cho biết thêm lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường để cố gắng dập tắt đám cháy lớn. Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Điểm xung đột: Ukraine gặp khó trên các mặt trận; Thổ Nhĩ Kỳ tranh cãi ông Trump
Trong diễn biến khác, Nga tố Ukraine nhiều lần thả đạn phốt pho trắng từ UAV trong tháng 9. “Các cơ quan chức năng Nga cùng với Bộ Quốc phòng đã thu được bằng chứng không thể chối cãi về việc lực lượng vũ trang Ukraine nhiều lần sử dụng đạn phốt pho trắng thả từ UAV trong tháng 9″, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố ngày 18.12. Phía Ukraine khẳng định tuyên bố của bà Zakharova là sai sự thật, đồng thời cáo buộc ngược lại Nga sử dụng chất hóa học bị cấm trên chiến trường.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien của Pháp hôm 18.12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này không muốn nhượng bộ dù về mặt lãnh thổ hay tham vọng gia nhập NATO và EU để “đổi chác” hòa bình với Nga. Ông Zelensky nhấn mạnh Kyiv sẽ chỉ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Moscow khi có được “vị thế mạnh mẽ” và để đạt được điều đó, Ukraine cần phải trở thành một phần của EU và NATO. Bình luận về tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong việc nỗ lực chấm dứt xung đột Nga – Ukraine, ông Zelensky nói: “Ông Trump thành tâm muốn hành động nhanh chóng, nhưng ông ấy vẫn chưa vào Nhà Trắng và chưa thể tiếp cận tất cả thông tin. Ông ấy cũng biết về mong muốn vững chắc của tôi là không vội vàng để tránh gây bất lợi cho Ukraine”.
Theo truyền thông Mỹ, ông Keith Kellogg, người được ông Trump đề cử làm đặc phái viên hòa bình Mỹ về Ukraine, sẽ thăm Ukraine vào tháng 1.2025. Ngoài ra, để củng cố vị thế trên bàn đàm phán với Nga, Ukraine đang ra sức vận động các đối tác hỗ trợ cả trên chiến trường và ngoại giao. Reuters đưa tin ngày 19.12 Anh công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 225 triệu bảng, đồng thời cam kết cung cấp thêm huấn luyện quân sự cho Kyiv. Trước đó, Đức ngày 18.12 đề xuất tăng gấp đôi xuất khẩu vũ khí sang Ukraine. Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 18.12 có cuộc gặp riêng để thảo luận về khả năng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, theo The Kyiv Independent.
Bộ trưởng Nga cảnh báo khả năng giao chiến với NATO trong 10 năm tới