Chờ ông Trump giải bài toán tinh gọn NASA
Một số cơ sở của cơ quan vũ trụ NASA (Mỹ) đang bị coi là thiếu hiệu quả và lỗi thời, song kế hoạch tinh gọn NASA gặp nhiều cản trở tại quốc hội.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) có lịch sử lâu đời với sứ mệnh hiện thực hóa các tham vọng chinh phục không gian của người Mỹ. Cơ quan này đã xây dựng 38 bệ thử rốc két tại 6 khu vực trên cả nước, với chi phí xây dựng và tân trang lên đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn những bệ thử trên đã không hoạt động trong thời gian dài.
Hồi tháng 9, tổng thanh tra NASA cho biết chỉ còn 10 bệ thử được sử dụng vào năm 2026, một phần nguyên nhân đến từ việc ngày càng xuất hiện các công ty tư nhân nhảy vào quá trình chế tạo tàu vũ trụ. Câu chuyện bệ thử rốc két chỉ là một trong những tồn tại kéo dài nhiều năm của NASA, với những cơ sở vật chất xuống cấp nhưng cơ quan không đủ ngân sách để bảo dưỡng đúng cách, trong khi quốc hội Mỹ lại không muốn cắt giảm do để đảm bảo việc làm, theo Forbes.
Giờ đây, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng với lập trường cắt giảm chi tiêu chính phủ, kế hoạch tinh gọn NASA được dự báo có thể được hiện thực hóa. Ngoài ra, đồng hành trong chính phủ sắp tới của ông Trump còn có tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập Công ty vũ trụ SpaceX và sẽ quản lý Ủy ban giám sát hiệu quả chính phủ.
Bộ máy khổng lồ
Những người trong cuộc về chính sách không gian của đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền ông Trump có thể đủ năng lực để đối mặt với bài toán khó: đóng cửa một số trong 10 trung tâm thực địa chính của NASA, điều được xem như bất khả thi trong nhiều thập niên qua do các yếu tố chính trị.
Tại Mỹ, NASA có 5.000 tòa nhà và các công trình với tổng trị giá khoảng 53 tỉ USD, với tổng diện tích hơn 54.000 ha trải dài khắp 50 tiểu bang, với phần lớn cơ sở dồn về 10 trung tâm thực địa. Chi phí để duy trì hoạt động của tất cả cơ sở trên ngày càng tạo gánh nặng cho NASA, khi một nửa số cơ sở được xây dựng từ thập niên 1960 để phục vụ sứ mệnh Apollo – đưa phi hành gia lên mặt trăng.
NASA cho biết 83% cơ sở hạ tầng của cơ quan này đã cũ hơn tuổi thọ dự kiến. Chi phí cho công tác bảo trì vốn bị hoãn nhiều lần đã đội lên hơn 3,3 tỉ USD và tăng 250 triệu USD mỗi năm.
Ông Casey Dreier, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Planetary Society (Mỹ) chuyên nghiên cứu chính sách không gian, nêu rằng việc các cơ sở NASA trải dài khắp nước Mỹ là chiến lược có chủ đích của cựu Giám đốc NASA James Webb nhằm tối đa hóa sự ủng hộ chính trị cho cơ quan này, theo Forbes. 10 trung tâm thực địa của NASA trước đây hoạt động độc lập và có xu hướng cạnh tranh với nhau để thu hút việc làm, do đó dẫn đến trường hợp những hệ thống trùng lặp nhau giữa các nơi.
Trong số cơ sở thực địa có trung tâm Glenn (bang Ohio), trung tâm Ames (bang Bắc Carolina) và trung tâm Langley (bang Virginia) đều là những cơ sở có từ trước năm 1945 và nằm trong diện cân nhắc sáp nhập. Ngoài ra còn có trung tâm Stennis (bang Mississippi) còn nhiều bệ thử rốc két chưa được sử dụng. Lao động trong 4 cơ sở trên có khoảng 15.000 công chức cùng nhân viên thời vụ. Tính đến năm 2023, NASA có hơn 19.700 công chức trong biên chế và khoảng 50.000 nhân viên thời vụ.
Không đủ nguồn vốn để bảo trì cơ sở với quy mô khổng lồ, song nỗ lực tinh gọn NASA cũng thường bị quốc hội Mỹ cản trở, do những nghị sĩ có xu hướng bảo vệ việc làm tại những khu vực họ đại diện. Các hoạt động cắt giảm trong những năm qua tương đối nhỏ giọt. Kể từ năm 2010, NASA chỉ bỏ khoảng 64 ha sau những kế hoạch thoái vốn.
Người phát ngôn của NASA Jennifer Dooren cho biết cơ quan đang thực hiện một lộ trình chiến lược bao gồm việc thoái vốn trong 20 năm tới khi giải quyết “những thách thức do ngân sách bảo trì và xây dựng thiếu hụt đáng kể”.
Ông Trump có thể làm gì?
Giới chuyên gia cho rằng để vượt qua sự phản đối từ quốc hội, ông Trump có thể cần cứng rắn thúc đẩy một đề xuất tương tự cách từng áp dụng cho quân đội, đó là thành lập ủy ban lưỡng đảng như Ủy ban Tái cơ cấu và đóng cửa căn cứ – được quốc hội lập ra để điều phối đóng cửa 5 căn cứ quân sự Mỹ giai đoạn năm 1988 – 2005. Tuy nhiên, trường hợp của NASA sẽ khó so bì với quân đội vốn có quy mô lớn hơn nhiều và có thể bù đắp.
Trong ngắn hạn, chính quyền ông Trump có thể cân nhắc cắt giảm chi phí cho NASA, với việc thành lập Ủy ban giám sát hiệu quả chính phủ (DOGE) với ông Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamey dẫn đầu, sẽ nghiên cứu khoản ngân sách nào của chính phủ đang không hiệu quả. Ông Trump cũng đã bổ nhiệm tỉ phú Jared Isaacman, một người bạn thân của ông Musk, làm lãnh đạo NASA nhiệm kỳ tới.
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành vũ trụ dự báo ông Trump sẽ thúc đẩy NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ ký thêm hợp đồng với các công ty tư nhân bên ngoài, thay vì tự dùng vốn duy trì năng lực. Một ví dụ được đưa ra là loại bỏ rốc két Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA, tiêu tốn 4 tỉ USD cho mỗi lần phóng, và thay bằng rốc két Starship của SpaceX. Tuy nhiên, một lần nữa vấn đề việc làm, chẳng hạn cho nhân viên đang phát triển SLS sẽ trở thành trở ngại để các nghị sĩ quốc hội thông qua.
Một thành viên từng làm việc cho ông Trump trong quá trình chuyển giao NASA hồi năm 2016 nói với Forbes: “Mọi người đều thừa nhận NASA không cần đến 10 trung tâm thực địa. Câu hỏi được đặt ra là tổng thống sẽ cứng rắn đến mức nào”.