Chế tạo càng xe hai bánh cho người khuyết tật
Căn nhà nhỏ nằm ở ngay tầng 1 của dãy nhà tập thể cũ 3 tầng trên địa bàn phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) được bày biện đơn giản, để nhường chỗ cho xưởng làm việc. Tại đây, suốt 2 năm qua, hàng chục chiếc xe điện 3 bánh, 4 bánh được sửa chữa và thiết kế mới đã đến với những người kém may mắn, không thể tự đi lại được. Tiếng cắt, đục, gõ kim loại vang lên, anh Sơn vừa nheo mắt tránh ánh sáng chói lóa từ những thanh sắt bị cắt gọt, vừa kể cho khách nghe về “cơ duyên” anh đến với nghề chế tạo xe cho người khuyết tật. Anh Sơn vốn là thợ cơ khí. Trong quá trình làm việc, anh bắt gặp những người đi bán hàng rong bằng xe lăn tay rất mệt nhọc hoặc những xe phải có người đằng sau đẩy đi. Có người bị khuyết tật từ nhỏ, người thì bị tai biến nằm liệt một chỗ, không có cơ hội được đi ra ngoài nên anh đã ấp ủ ý tưởng chế tạo ra những chiếc xe điện dành riêng cho những người không có khả năng tự đi lại. Anh bắt đầu tìm hiểu các sản phẩm xe dành cho người khuyết tật trên các trang mạng xã hội và đi mua xe điện cũ về tháo ra nghiên cứu. Sau quá trình tìm tòi, anh đã dần tạo ra những sản phẩm phù hợp. Có những xe được anh tạo ra từ những chiếc xe đạp điện đã qua sử dụng, có xe anh phải làm hoàn toàn, từ phần khung cơ bản cho đến ắc quy gắn vào xe… Tùy vào đặc điểm dạng khuyết tật của từng người mà anh Sơn sẽ cải tiến hoặc thay đổi các bộ phận, chức năng để tiện lợi và an toàn nhất cho người sử dụng. Anh Sơn tâm sự: “Tôi không sản xuất xe theo kiểu đại trà, bởi người bị khuyết tật không giống nhau nên khách đặt hàng mình làm theo dạng khuyết tật của từng người sao cho phù hợp. Với người khuyết tật bị liệt hai chân thì điều khiển phanh, ga bằng hai tay. Mỗi khi nhận đơn hàng, tôi đều cẩn thận tìm hiểu tâm lý, tình trạng sức khỏe, thói quen của khách hàng để thiết kế xe sao cho phù hợp nhất, giúp người khuyết tật cảm thấy thoải mái, tự tin khi sử dụng. Với những người bị liệt nửa người phải, liệt nửa người trái thì mình có thể chuyển tay ga sang bên phải hoặc bên trái giúp người khuyết tật có thể di chuyển thuận tiện”. Có những chiếc xe điện 3, 4 bánh được anh làm khung vuông vắn với những miếng nhựa trong suốt, chắc chắn, giúp người điều khiển tránh nắng, tránh mưa. Mỗi sản phẩm khi hoàn thành, trước khi được giao tận tay cho khách hàng, anh Sơn đều tự mình chạy thử để kiểm tra chất lượng. Người nọ giới thiệu người kia, cứ thế, những chiếc xe điện mang thương hiệu “Anh Sơn” xuất hiện ở nhiều nơi hơn, từ ngõ phố cho tới những con đường lớn trên địa bàn thành phố Nam Định. Anh Sơn vẫn ấp ủ dự định mang những chiếc xe do anh chế tạo đến với người khuyết tật ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, để chiếc xe đồng hành cùng những người khuyết tật, giúp họ tự tin hơn hòa nhập với cộng đồng. Ông Phan Văn Trung ở huyện Ý Yên, một khách hàng đã dùng xe lăn do anh Sơn sản xuất cho biết: “Xe bền và tiện dụng, từ ngày sử dụng đến nay, tôi chưa phải sửa chữa gì, chỉ thay săm, thay lốp thôi. Không chỉ đi lại dễ dàng hơn, mà tôi còn có thể giúp gia đình được những việc nhỏ trong nhà. Nhờ có chiếc xe, tôi chủ động hơn trong sinh hoạt hàng ngày, không phải phụ thuộc quá nhiều vào người thân”. Ông Nguyễn Thanh Hà ở huyện Nam Trực cho biết: “Trước đây, tôi đi lại rất khó khăn nên hạn chế đi ra ngoài. Bây giờ nhờ có chiếc xe điện 3 bánh mà tôi có thể đi chơi với con, cháu”. Bà Nguyễn Thị Sơn, hàng xóm của anh Sơn bị khuyết tật nặng, nhà lại neo người, hoàn cảnh khó khăn, nên anh Sơn đã hỗ trợ bà một phần chi phí.