Sinh viên sáng tạo ứng dụng hỗ trợ trẻ tự kỷ
Với ứng dụng “Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ”, nhóm sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ mong muốn giúp đỡ trẻ em rối loạn phổ tự kỷ có thể chơi đùa, tăng khả năng giao tiếp.
Ứng dụng được thực hiện bởi 5 sinh viên: Lý Phi Nhạn, Lê Anh Khoa, Nguyễn Văn Mến, Huỳnh Thị Yến Nhi, Nguyễn Hồng Ngọc. Với tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao, “Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ” đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo CTUT Startup lần 2 năm 2024.
Anh Khoa cho biết ý tưởng của nhóm xuất phát từ lúc tình cờ đọc một bài báo nước ngoài về việc ứng dụng drone (máy bay không người lái) cho trẻ tự kỷ là xu hướng trong tương lai. Qua tìm hiểu số liệu thực tế, nhóm nhận thấy trẻ em tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp. Điều này có thể gây cô lập và khó khăn khi tham gia các hoạt động hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Từ đó, nhóm đưa ra ý tưởng “Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ”. Mục tiêu là hỗ trợ trẻ em tự kỷ vượt qua khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, tạo ra thiết bị vừa có thể giao tiếp với trẻ rối loạn phổ tự kỷ vừa có thể chơi đùa cùng trẻ, giúp trẻ trở nên năng động hơn trong sinh hoạt hằng ngày.
Nhóm bắt tay vào nghiên cứu, viết ứng dụng trên máy tính và điện thoại. Bên cạnh đó, còn sử dụng Al trong xử lý hình ảnh để hỗ trợ trẻ tự kỷ thông qua các bài tập thăng bằng. Đặc biệt, có thể sử dụng giọng nói để điều khiển chức năng của drone bằng những từ cơ bản, những cụm từ và câu hoàn chỉnh, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Khi trẻ muốn sử dụng bắt buộc phải nói được và giữ thăng bằng được.
Bằng cách sử dụng công nghệ này, trẻ em tự kỷ có thể tương tác với drone thông qua giọng nói, hành động, cử chỉ. Qua đó giúp trẻ rèn kỹ năng giao tiếp và thể hiện ý kiến của mình một cách tự tin, làm cho trẻ hoạt động nhiều hơn. Điều này có thể giúp trẻ em tự kỷ cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động hằng ngày và giảm sự cô lập xã hội.
“Ứng dụng sản phẩm tích hợp công nghệ và sáng tạo là sự kết hợp giữa công nghệ điều khiển drone và công nghệ nhận diện giọng nói. Giúp trẻ em tự kỷ tương tác và giao tiếp một cách dễ dàng, tự nhiên hơn thông qua sử dụng giọng nói, giúp phát triển kỹ năng xã hội và giao tiếp, mở ra cơ hội mới trong cuộc sống hằng ngày, khám phá và khai thác tiềm năng của mình”, Anh Khoa cho hay.
Theo Phi Nhạn, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để ứng dụng hoạt động ổn định hơn từ việc nhận diện. Với dự án này, có thể cung cấp dịch vụ cho thuê drone cho các trường học, trung tâm giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận, các cá nhân có nhu cầu sử dụng trong hoạt động giáo dục, trị liệu dành cho trẻ em tự kỷ.
Thạc sĩ Cao Sang, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, đánh giá: “Tính khả thi, tính ứng dụng của sản phẩm này cực kỳ cao. Bởi ngày nay, một sản phẩm của người Việt Nam tạo ra, dành riêng cho thị trường Việt Nam trong lĩnh vực dành riêng cho trẻ tự kỷ rất ít. Khi ứng dụng vào dạy học cho trẻ tự kỷ sẽ giúp ích được khá nhiều cho thầy cô để cải thiện kỹ năng, đọc nhiều hơn, tăng sự tập trung hơn”.