Tỷ lệ hiến tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
Mỗi năm Việt Nam ghép tạng hơn 1.000 ca nhưng chỉ có khoảng 36 người chết não hiến tạng, nguồn mô tạng từ người chết não thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Sáng 23.12, lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi” được tổ chức tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc hiến tạng trong việc cứu sống nhiều người bệnh.
Tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết ở Việt Nam có số ca ghép mô tạng cao nhất Đông Nam Á với hơn 1000 ca. Thành công trong ghép tạng đã cứu sống nhiều người và đặc biệt thành lập được một chuỗi hệ thống các bệnh viện hiến và ghép.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến dù ở Việt Nam có kỹ thuật ghép mô, tạng cao nhưng nguồn mô tạng rất ít, thiếu từ nguồn chết não. Buổi lễ phát động còn có sự ra mắt liên chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người gồm nhiều bệnh viện ở khu vực Nam bộ. Việc thành lập liên chi hội để có nguồn tạng từ người chết não nhiều hơn, giúp cứu sống nhiều người hơn.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam số ca ghép tạng cao nhất, hơn cả Thái Lan, Malaysia, nhiều nước khác. Tuy nhiên số ca ghép tạng, mô từ nguồn người chết não thì lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Theo đó, với 1 triệu dân thì ở Tây Ban Nha đã ghép được 49 ca, trên 1 triệu dân ở Thái Lan là 6,12 ca, ở Malaysia là 1,25 ca, trong khi đó ở Việt Nam chúng ta chỉ có 0,15.
“Danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Chúng tôi phối hợp với các bệnh viện trong thành phố, các bệnh viện ở tỉnh như: Bệnh viện Long An, Bệnh viện Vĩnh Long, Bệnh viện Trà Vinh… thành lập chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở khu vực Nam bộ. Khi thành lập, chúng tôi tin rằng các nguồn mô hiện tại sẽ tiếp tục tăng lên và quan trọng nhất là chúng ta sẽ xây dựng được cái mạng lưới truyền thông để kêu gọi mọi người cùng đăng ký hiến mô, tạng”, PGS-TS Bắc chia sẻ.
Hiện, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột…
Số người hiến tạng sau chết não tại các bệnh viện tăng nhanh sau lễ phát động hiến tạng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi. Cụ thể, năm 2021 có 8 ca, năm 2022 và 2023 có 14 ca và năm 2024 đã có 36 ca hiến tạng chết não. Ngoài ra, năm 2024, tỷ lệ nguồn hiến tạng chết có 11% và nguồn hiến sống có 89%.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều nước ở châu Âu không có thủ tục đăng ký hiến mô tạng, mà theo nguyên tắc suy diễn là đương nhiên, sau khi chết thì hiến tạng với sự đồng ý của gia đình (có nước không cần gia đình đồng ý). Trên bằng lái xe có ký hiệu đã đồng ý hiến tạng sau chết. Quy định chết não và cả chết tim để tăng nguồn tạng từ người cho chết não và cả chết tim.
Ở Mỹ cho phép tử tù và tù nhân đăng ký hiến tạng sau chết để tăng nguồn tạng, cho phép ghép mô, tạng từ người nhiễm HIV cho người nhiễm HIV. Đã ghép được tất cả các tạng: Tim, phổi, ruột, tụy, gan, thận, giác mạc, tử cung, chi,…