Hình ảnh cung cấp từ người dân: ‘Cánh tay nối dài’ cho CSGT
Bộ Công an mới đây ban hành Thông tư số 73/2024, quy định dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp (thông tin, hình ảnh) là một nguồn chính thống để CSGT tiếp nhận, xác minh và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
GIÚP CSGT KỊP THỜI PHÁT HIỆN và XỬ LÝ
Quy định tại Thông tư số 73 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025) không phải là mới, mà kế thừa quy định hiện hành tại Thông tư 32/2023 của Bộ Công an. Thực tế cho thấy, thời gian qua, công an nhiều tỉnh, thành rất tích cực trong việc kêu gọi người dân chủ động phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Hôm 17.12, thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp tết 2025, trên trang Facebook, Công an tỉnh Phú Thọ công bố số điện thoại đường dây nóng – Zalo của đơn vị là 0835265265, đề nghị người dân cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm để vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Hồi tháng 8.2023, Công an TP.Hà Nội cũng công khai trang Zalo “Phòng CSGT CATP Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 02439424451, đề nghị người dân tích cực cung cấp thông tin, hình ảnh, video phản ánh vi phạm TTATGT.
Tính đến tháng 11.2024, trang Zalo của Công an TP.Hà Nội nhận được 7.042 lượt tin nhắn tương tác, trong đó 5.994 tin phản ánh về TTATGT. Qua xác minh, cơ quan chức năng đã xử lý 2.397 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 2,4 tỉ đồng, tước 619 giấy phép lái xe và tạm giữ 92 phương tiện.
Chỉ huy Đội tham mưu Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết việc người dân chủ động phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh vi phạm TTATGT đã mang lại kết quả tích cực trong phòng ngừa vi phạm cũng như bảo đảm TTATGT trên địa bàn thủ đô. Việc này có thể coi là “cánh tay nối dài” giúp CSGT có được thông tin vi phạm, từ đó kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý.
Để tăng hiệu quả trong việc xử lý vi phạm từ phản ánh của người dân qua Zalo, ngoài hình thức tiếp nhận, xác minh rồi xử lý, Phòng CSGT Hà Nội còn yêu cầu bộ phận nhận tin tiếp nhận thông tin ngay lập tức, thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến đến nơi xảy ra vi phạm để xử lý tại chỗ.
MUỐN TỐ GIÁC THÌ GỬI THÔNG TIN TỚI ĐÂU?
Tại Thông tư số 73, Bộ Công an quy định 3 đầu mối tiếp nhận, thu nhập dữ liệu vi phạm TTATGT do người dân cung cấp, gồm: Cục CSGT, Phòng CSGT thuộc công an cấp tỉnh, đội CSGT – trật tự thuộc công an cấp huyện.
Các đơn vị CSGT nêu trên có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, thông tin về cài đặt, sử dụng app VNeTraffic để người dân biết cung cấp thông tin; đồng thời phải trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin từ người dân.
Về quy trình, cán bộ CSGT sau khi tiếp nhận thông tin phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm yêu cầu thì ghi chép vào sổ và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền.
Trường hợp thứ nhất, nếu thông tin phản ánh vi phạm đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì đơn vị CSGT tổ chức lực lượng dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý. Nếu không dừng được phương tiện hoặc hành vi vi phạm đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định.
Trường hợp thứ hai, nếu thông tin phản ánh vi phạm không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách thì thông báo cho đơn vị CSGT có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định.
Bộ Công an cũng quy định rõ, việc xác minh thông tin về phương tiện, chủ phương tiện được thực hiện thông qua cơ quan đăng ký xe, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Căn cứ kết quả xác minh, thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc thực hiện gửi thông báo đến chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an đã gửi thông báo để làm rõ.
LƯU Ý KHI CUNG CẤP THÔNG TIN
Bày tỏ ủng hộ đối với quy định tại thông tư của Bộ Công an, luật sư (LS) Nguyễn Thị Thúy, Đoàn LS TP.Hà Nội, nói không phải lúc nào, tuyến đường nào CSGT cũng kịp thời có mặt để phát hiện, xử lý vi phạm. Ngoài hệ thống camera “phạt nguội”, việc huy động thêm thông tin từ người dân cung cấp sẽ là một kênh rất hiệu quả giúp tăng độ “phủ sóng” của lực lượng chức năng.
Cùng với cơ chế tiếp nhận thông tin rõ ràng, mỗi người dân sẽ như một “camera di động” giám sát quá trình tham gia giao thông của người khác. Tài xế sẽ không còn tâm lý chống đối theo kiểu chỉ chấp hành khi thấy CSGT hoặc camera giám sát, thay vào đó là tập trung đi đúng mọi lúc mọi nơi, bởi nếu vi phạm thì có thể bị người khác gửi thông tin cho CSGT bất cứ khi nào.
Tuy vậy, LS Thúy khuyến cáo người dân lưu ý một số nội dung. Theo Nghị định 135/2021, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp; đồng thời dữ liệu cung cấp không được xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức khác.
Điều này có thể hiểu rằng, người dân có quyền ghi nhận, cung cấp thông tin vi phạm TTATGT cho lực lượng CSGT, nhưng không được lợi dụng việc đó để gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác, hoặc vì mục đích cá nhân không chính đáng. Khi đã cung cấp, người dân phải chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra, phối hợp với người có thẩm quyền giải quyết sự việc nếu được yêu cầu.
Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý thông tin phản ánh tới CSGT phải khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm. Việc này sẽ tạo cơ sở pháp lý chắc chắn cho thông tin đã cung cấp, đồng thời giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn khi phân loại, xác minh, xử lý vi phạm.