80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Viết tiếp bài ca người lính
Mỗi khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, ai là người ra trận chống giặc? – Những người lính.
Mỗi khi đất nước bị thiên tai như lũ lụt, bão dữ, hạn nặng, ai là người đứng cùng dân, giúp dân chống chọi những tai ương? – Những người lính.
Mỗi khi đất nước đột nhiên rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm khó lường như dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ai lại “ra trận”, trở thành lực lượng quan trọng nhất sát cánh với ngành y tế chống dịch, cứu dân? – Lại là những người lính.
Khi đất nước an bình, nói thật, chúng ta ít để ý tới người lính.
Người lính đi nghĩa vụ quân sự, có phần nhiều xuất thân từ những gia đình nông dân, hoặc những gia đình lao động không giàu có ở thành thị.
Nếu tính theo kiểu lý lịch ngày xưa, thì người lính từ xưa tới giờ hầu hết đều có lý lịch rất tốt, và phần nhiều xuất thân từ những gia đình không giàu có, thậm chí không khá giả.
Phải nói chuyện lý lịch để thấy, nhiều người lính nghĩa vụ đều là con nhà nghèo. Họ đi lính không phải lấy tiền lương nuôi gia đình, vì “lương của lính” bây giờ là bao nhiêu thì mọi người đã biết.
Giống như người lính Cụ Hồ ngày xưa, người lính bây giờ vẫn là trụ cột của quốc gia. Một đất nước luôn bị đe dọa từ nhiều phía như Việt Nam, không thể không có một quân đội mạnh, không thể không có những người lính yêu nước và dám hy sinh.
Hãy nhìn từ đó để yêu thương hơn, trân trọng hơn những người lính bình thường, những người chỉ quen và có nghĩa vụ tuân lệnh chỉ huy.
Tôi cũng là người đã gia nhập quân đội, đã đi qua chiến tranh, nên tôi biết người lính trong chiến tranh khổ tới chừng nào. Chết chóc hy sinh là chuyện không phải bàn, nhưng chỉ riêng chuyện gian khổ, nhiều khi ăn không no mà vẫn phải vác nặng, là điều người lính phải chịu đựng hằng ngày, chịu đựng suốt cuộc chiến tranh, nếu may mắn còn sống để mà chịu đựng.
Ngay sau ngày 30.4.1975, cứ tưởng hòa bình thống nhất rồi thì sẽ yên ổn, nào ngờ, những người lính lại phải ra trận, lúc thì ở biên giới phía tây nam, lúc thì biên giới phía bắc Tổ quốc.
Khi trên đất liền tạm yên, thì quần đảo Trường Sa của Việt Nam lại xảy ra giông bão do những kẻ lấn chiếm gây nên. Những người lính lại phải hy sinh ở Gạc Ma tháng 3.1988. Rồi cuộc chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia thoát cảnh địa ngục diệt chủng của bọn Pon Pot kéo dài suốt 10 năm từ 1979 tới 1989, hàng triệu người lính Việt Nam đã hy sinh và bị thương. Nỗi đau chất chồng lên nỗi đau. Nhiều bà mẹ Việt Nam lại phải nhận những tờ giấy báo tử những đứa con mình đã hy sinh bên ngoài biên giới Tổ quốc.
Bây giờ chúng ta thường xuyên tổ chức những lớp học, quảng bá những bài học, nhưng chưa thấy trong đó có nhiều những bài học về người lính, về những hy sinh quá lớn lao của họ cho nhân dân và Tổ quốc.
Mỗi lần nghe lại ca khúc Bài ca người lính của nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, tôi đều xúc động, nhiều lúc rưng rưng nước mắt:
Đường dài hành quân xa đi khắp non sông nhà
Ngày ngày quàng trên vai ba lô và cây súng
Chân băng qua gió mưa đầu đội trời sao thưa
Thân băng qua thép gai vượt làn đạn mưa bay
Tim ta bốc cao lửa thiêng anh hùng
Bao yêu thương thiết tha gửi lại người phương xa
Ta đi trong tiếng ca ngàn đời còn ngân nga
Ôi ta kiêu hãnh sao bước trên đường xa
Một thời đầy gian lao chân bước trong chiến hào
Nhìn đồng đội yêu sao chia nhau từng giây sống
Ta chia nhau hiểm nguy đường dài dìu nhau đi
Ta chia nhau chiến công và nhường mền đêm đông
Ta đi qua chiến tranh vẫn tươi nụ cười
Xa em bao tháng năm mà lòng chẳng xa xăm
Trong đêm sao biếc xanh nhìn bầu trời long lanh
Sao như đôi mắt em vẫn đang nhìn anh
Rừng già mờ hơi sương ôm súng gác bên đường
Lòng nặng tình quê hương đêm mơ về thành phố
Ta xa trang sách xưa làm bạn rừng cây thưa
Ta xa bao phố trưa dầm mình vào đêm mưa
Ta hi sinh máu xương giữ yên phố phường
Ơi em nơi phố xa giờ này vào ca ba
Ta yêu trong cách xa tình ngạt ngào hơn hoa
Em ơi kiêu hãnh sao thủy chung lòng ta
Ơi em nơi phố xa giờ này vào ca ba
Ta yêu trong cách xa tình ngạt ngào hơn hoa
Em ơi kiêu hãnh sao thủy chung lòng ta.
Gia tài của người lính chỉ có ba lô và cây súng, chỉ có lòng yêu nước và tình thương hướng về gia đình. Họ “yêu trong cách xa” nhưng “tình ngạt ngào hơn hoa”. Họ đẹp vô cùng trong mắt và trong lòng chúng ta.
Phải là người đã từng trải qua chiến tranh, chung lưng đấu cật cùng người lính, Diệp Minh Tuyền mới viết được hai bài hát để đời Bài ca người lính và Hát mãi khúc quân hành.
Tôi tự hào vì có một người anh đồng môn (học khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) là Diệp Minh Tuyền. Khi đi vào chiến tranh, chúng tôi cũng chỉ muốn được viết về người lính sao cho chân thành nhất, gần đúng nhất với cuộc đời và cuộc chiến đấu của họ.
Trong rất nhiều sáng tác của tôi, cả thời chiến lẫn thời bình, cả thơ ngắn và trường ca, hình tượng người lính luôn là hình tượng trung tâm mà tôi thương yêu, chia sẻ, ngưỡng mộ, kể cả xót thương.
Tôi đã viết thật lòng mình, đã trang trải máu thịt, vì tôi biết, những “dấu chân qua trảng cỏ” rồi sẽ mờ đi, sẽ nhòe đi sau chiến tranh, khi cuộc sống đã chuyển sang những hình thái khác. Nhưng tôi không muốn những gì người lính đã hy sinh và đóng góp cho Tổ quốc lại bị quên lãng, hoặc chỉ được nhớ đến trong những dịp lễ lạt, kỷ niệm.
Khi tôi viết “Thế hệ chúng tôi nhìn rất rõ mặt mình” thì đó là cái nhìn tự ý thức, cái nhìn của người từng trải, không tham vọng nhưng vẫn đầy hy vọng vào tương lai của đất nước mình, vào hạnh phúc của nhân dân mình.
Quả thật, viết về người lính thì bao nhiêu vẫn chưa đủ, viết mãi vẫn còn thấy thiếu.
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024), tôi muốn dâng lên NGƯỜI LÍNH tất cả tình cảm yêu thương của mình. Như người anh Diệp Minh Tuyền đã dâng lên.