Mức sinh tại TP.HCM vẫn rất thấp, tiếp tục nỗi lo già hóa dân số
Dự báo mức sinh tại TP.HCM năm 2024 đạt 1,4 con/phụ nữ, tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên con số này vẫn ở mức rất thấp.
Sáng 22.12, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 với chủ đề nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Tại hội nghị, lãnh đạo các sở ngành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát mức sinh để đảm bảo sự phát triển bền vững an sinh xã hội.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết tổng tỷ suất sinh năm 2024 tại TP.HCM ước tính là 1,4 con/phụ nữ, tăng so với năm 2023 là 1,32 con nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Mất cân bằng giới tính khi sinh được khống chế ước tính 106,1 bé trai/100 bé gái. Tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM năm 2024 là 76,7 tuổi.
Theo ông Trung, số liệu này tiếp tục báo động về tình trạng mức sinh thấp rất thấp của thành phố. Khi TP.HCM có mật độ dân số cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, cùng áp lực công việc, nhà ở và nuôi dạy con cái đang khiến các cặp vợ chồng trẻ ngần ngại trong việc sinh con.
“Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…”, ông Trung nói.
Tại hội nghị, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế chia sẻ: “Công tác dân số của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như bắt đầu xu thế mức sinh thấp. Năm 2023 tổng tỷ suất sinh là 1,96 con, mức thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Không chỉ mức sinh thấp, Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng. Ngoài ra, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện”.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để nâng cao chất lượng dân số, ngành y tế cần đẩy mạnh truyền thông lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.
Bên cạnh đó, để ứng phó với già hóa dân số, ngành y tế cần nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao chất lượng dân số, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sức khỏe dành cho người cao tuổi.
Theo thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương, năm 2024, có 1.469 cặp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tự nguyện tham gia thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 19,3% so với năm 2023.
Chương trình nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn và giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình.
Qua những buổi khám, tư vấn không chỉ giúp các cặp đôi nhận thức rõ hơn về những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, mà còn truyền tải thông điệp về sự quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe lâu dài.
HĐND TP.HCM vừa thông qua nghị quyết quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn.
Cụ thể, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con, gồm: chi phí khám thai định kỳ (4 lần/thai kỳ), chi phí thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh; chi phí người dân đồng chi trả (sau khi trừ chi phí do bảo hiểm xã hội thanh toán) cho 1 ca sinh…
Chính sách khuyến sinh đưa ra trong bối cảnh tổng tỷ suất sinh của TP.HCM năm 2023 thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con; đồng thời nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.