Cô gái khuyết tật vận động nhận học bổng du học bậc thạc sĩ tại Úc
Dù khuyết tật vận động do viêm đa thần kinh bẩm sinh nhưng Nguyễn Thị Tuyết Nhung (27 tuổi, quê Vĩnh Phúc), luôn nghị lực và ham học. Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Nhung nhận học bổng du học toàn phần bậc thạc sĩ của Chính phủ Úc.
Nhung cho biết hai em của mình cũng khuyết tật vận động nên bố mẹ rất vất vả. Càng lớn, khả năng đi lại của Nhung càng hạn chế. Hiện tại, cô gái không thể tự đi đứng một mình, khả năng cầm nắm cũng yếu ớt. Tuy nhiên, những thử thách này không thể làm giảm đi khát vọng học tập và cống hiến của cô gái trẻ.
“Bố mẹ sinh con ra ai cũng mong muốn khỏe mạnh, nhưng bây giờ vậy rồi thì phải cố gắng sống tốt thôi”, Nhung nghẹn ngào.
Từ nhỏ, Nhung yêu thích học tập và muốn trở thành giáo viên. Càng lớn, tình trạng khuyết tật của Nhung ngày càng trở nặng. Khi học lớp 9, Nhung không thể đi lại như bình thường, khiến việc đến trường trở thành một thử thách lớn.
“Dù khuyết tật nhưng mình luôn muốn sống như những người bình thường. Không muốn trở thành một người vô dụng”, Nhung nói.
Năm 2014, Nhung quyết định vào TP.HCM cùng ba, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ với giáo dục. Sau ba năm gian nan, Nhung đã hoàn thành chương trình THPT tại Trung tâm bảo trợ dạy nghề cho người tàn tật TP.HCM và được xét tuyển vào ngành giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào năm 2017. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái trẻ.
Gian nan trên hành trình xin học bổng
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2021 và tìm được công việc giảng dạy tại Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập Bình An (tỉnh Bình Dương), Nhung vẫn chưa muốn dừng lại. Với mong muốn không ngừng phát triển bản thân và giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn nữa, Nhung đã quyết định tìm kiếm cơ hội du học.
Trong một lần lướt mạng xã hội, Nhung xem được video giới thiệu về học bổng của Chính phủ Úc, chương trình học thạc sĩ khuyết tật thực hành và lãnh đạo. Đây là một học bổng danh giá, nhưng cũng đầy thử thách vì yêu cầu về trình độ tiếng Anh khá cao.
Dù không giỏi tiếng Anh nhưng Nhung không chùn bước. Nhung dành 1 năm vừa làm việc, vừa học tiếng Anh từ mất gốc để đạt điểm IELTS tối thiểu của vòng hồ sơ. Tháng 8.2023, Nhung nhận được thư báo đỗ học bổng và chương trình tài trợ học tiếng Anh tại Trường ĐH RMIT Việt Nam cho đến hết tháng 6.2024.
Đối với Nhung, chặng đường xin học bổng không đơn giản là việc vượt qua các bài thi, kiểm tra tiếng Anh, mà phải đối mặt với thử thách về thời gian và sức khỏe. Nhung vẫn phải tiếp tục công việc giảng dạy tại Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập Bình An, đồng thời duy trì việc học và luyện thi tiếng Anh.
“Thời gian học tiếng Anh và chuẩn bị hồ sơ học bổng thật sự rất vất vả. Mỗi ngày mình phải sắp xếp thời gian để học tiếng Anh vào buổi tối sau giờ làm việc. Những ngày nghỉ, mình chỉ dành thời gian để học”, Nhung kể.
Nhung phải tự học cách viết các bài luận và chuẩn bị nội dung thuyết trình bằng tiếng Anh, điều này là một thách thức lớn. Nhung cho biết luôn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô và gia đình. “Sự động viên của mọi người là nguồn động lực lớn nhất giúp mình vượt qua khó khăn”, Nhung chia sẻ.
Ngày 19.11 vừa qua, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nhung đã nhận được học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ từ Đại sứ quán Úc. Nhung sẽ có thời gian 2 năm học bậc thạc sĩ ngành khuyết tật thực hành và lãnh đạo tại ĐH Flinders, Úc.
“Khi đến Úc, mình sẽ có cơ hội học hỏi và tiếp cận với những phương pháp giáo dục tiên tiến… từ đó áp dụng vào công việc hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam”, Nhung chia sẻ về dự định trong tương lai. Đặc biệt, học bổng này còn hỗ trợ Nhung mang theo người chăm sóc là mẹ, giúp cô gái an tâm học tập trong suốt thời gian tại Úc.
Nhung cho biết sau khi hoàn thành chương trình học, sẽ trở về Việt Nam và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật. Nhung khao khát chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm học được từ Úc. Đồng thời phát triển các dự án giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật trong tương lai.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thành, công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình An (tỉnh Bình Dương) nhận xét về Nhung: “Sau nhiều năm gắn bó từ bậc đại học đến giờ, mình nhận thấy Nhung là một cô gái nghị lực, chịu khó và luôn quyết tâm. Dù em có nhiều hạn chế về vận động, nhưng ý chí lại rất mạnh mẽ”.