Doanh nghiệp Việt Nam muốn tiến vào thị trường Bắc Mỹ, khó hay dễ?
Để tiến ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh.
Sáng 19.12, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ – Những vấn đề khó lường và chương trình tập huấn với chủ đề Xây dựng và phát triển dòng tiền từ thương hiệu.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng TP.HCM. Chương trình nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện, trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng và phát triển thương hiệu thành công.
Chương trình có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, luật gia về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ, bản quyền; thương mại điện tử…
Trong kỷ nguyên số hiện nay, thương hiệu không chỉ là một cái tên mà đó còn là một trải nghiệm toàn diện. Việc sở hữu một thương hiệu riêng không chỉ giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tạo lòng tin đối với khách hàng mà còn mang đến nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế.
Tại chương trình, ông Phạm Hữu Chương, Phó tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cho biết, chương trình là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp có kế hoạch tham gia thị trường quốc tế trao đổi, thảo luận.
Bắc Mỹ là một thị trường đầy tiềm năng, đã, đang và sẽ mang đến những cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, con đường tiếp cận thị trường Bắc Mỹ không hề dễ dàng. Việc xác định rào cản đang nằm ở đâu là câu hỏi khó đối với những nhà xuất khẩu Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần định vị thương hiệu ở thị trường mới
Bà Nguyễn Ngọc Trâm, chuyên gia về thương mại hóa tài sản trí tuệ quốc tế, phân tích những thách thức, cơ hội khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tiến vào thị trường Bắc Mỹ.
Theo bà, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tâm lý muốn xuất ngoại, tiến vào thị trường quốc tế đầy tiềm năng nhưng trong một thời gian dài vẫn chưa thành công.
Bà Trâm nhấn mạnh, ở trong nước, doanh nghiệp có thể đứng đầu trong ngành hàng, được nhiều người biết đến. Nhưng đến khi ra thị trường Mỹ rộng lớn, họ có thể ở con số 0 hoặc ở nấc thang rất thấp trong nhận diện thương hiệu, nhận diện sản phẩm. Doanh nghiệp cần chấp nhận thực tế này để có chiến lược đúng đắn nhất.
“Doanh nghiệp Việt cần định vị thương hiệu ở thị trường mới, trên thị trường quốc tế và họ cần có một cái nhìn chuyên sâu và kết hợp giữa nhân sự nội bộ, các chuyên gia nghiên cứu thị trường và các chuyên gia khác”, bà Trâm nói.
Theo bà Trâm, để tiến ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh.
“Doanh nghiệp cần có tầm nhìn kinh doanh dài hạn và nhiều kế hoạch ngắn hạn, không phải một kế hoạch duy nhất mà phải có nhiều kế hoạch khác nhau. Đồng thời, doanh nghiệp cần tính toán và dành riêng một quỹ nhỏ cho việc thử nghiệm sản phẩm ở thị trường quốc tế. Quỹ này không nên chỉ dồn cho chương trình tiếp thị quảng cáo. Thương hiệu khác với nhãn hiệu nhưng cả hai đều có thể mua bán và là một phần không thể thiếu đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp cần xác lập cho mình tư duy thương hiệu là một khoản đầu tư”, bà Trâm khẳng định.
Đồng thời, hội nghị nhấn mạnh nội dung thương hiệu khác với nhãn hiệu nhưng cả hai đều có thể mua bán và là một phần không thể thiếu của nhau.
Ngoài ra, chương trình còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các quy định pháp lý liên quan đến thương mại quốc tế, bao gồm hợp đồng thương mại, thanh toán quốc tế và các vấn đề thuế liên quan…